Là địa phương duy nhất ở miền Bắc hội tụ 5 phương thức vận tải (đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và hàng không) cùng hệ thống cảng biển lớn, Hải Phòng có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ logistics, hướng tới trở thành trung tâm logistics khu vực và quốc tế trong tương lai. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hoạt động logistics của thành phố phát triển chưa tương xứng tiềm năng, còn nhiều hạn chế cần khắc phục liên quan đến hệ thống kho bãi, chi phí vận tải, thủ tục hành chính…
Cảng Tân Vũ với hệ thống kho bãi đồng bộ phục vụ giao nhận hàng hóa.
Chưa tận dụng hết lợi thế vốn có
Một trong những lợi thế hàng đầu, vượt trội của Hải Phòng là hệ thống cảng biển với 50 bến cảng (chiếm 17,5% số bến cảng của Việt Nam, chiếm 73% số cảng biển của Vùng đồng bằng sông Hồng). Nổi bật là các bến số 1 và 2 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu tại Lạch Huyện) có khả năng đón tàu hơn 130.000 tấn, đưa hàng hóa từ Hải Phòng đến thẳng các châu lục, được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2018. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở Công Thương, toàn thành phố có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX… Lượng nhân công hoạt động trong lĩnh vực logistics chiếm xấp xỉ 20% nguồn lao động logistics trên cả nước (khoảng 175.000 người). Tổng diện tích kho, bãi trên địa bàn thành phố khoảng 701,14 ha với hơn 60 kho, bãi chính. Cảng Hải Phòng cũng là cảng có lưu lượng hàng thông qua lớn nhất ở phía Bắc Việt Nam với hệ thống thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng đầy đủ, an toàn, phù hợp các phương thức vận tải, thương mại quốc tế.
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận trong giai đoạn hiện nay, ngành logistics của Hải Phòng đang phải đối mặt với nhiều bất cập, hạn chế. Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng Trần Tiến Dũng cho biết, Hải Phòng hiện chỉ có hai trung tâm logistics là GLC của Viconship với diện tích 9,1 ha và Yusen, (nhà đầu tư nước ngoài) với 10 ha, trong đó kho bãi khoảng 20.000 m2 còn lại là bãi đỗ xe. Với quy mô nhỏ và đặc thù như vậy, những trung tâm này mục đích chỉ phục vụ nhóm nhỏ nhất định. Ví dụ Yusen chỉ phục vụ một số doanh nghiệp FDI của Nhật, chưa xứng tầm trung tâm logistics quốc gia, trung tâm logistics quốc tế như kỳ vọng của thành phố. Do đó, thành phố cũng như Sở Công Thương cần có cơ chế, chính sách ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp logistics tại thành phố tham gia cùng đầu tư xây dựng một trung tâm logistics quy mô xứng tầm.
Chú trọng xây dựng hạ tầng và nguồn nhân lực
Vừa qua, Sở Công Thương tổ chức hội nghị đối thoại nhằm nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn thành phố. Tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành trực tiếp trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp logistics. Đối với kiến nghị về xây dựng trung tâm logistics xứng tầm, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, hiện Hải Phòng đang tiếp nhận đề xuất của 9 đơn vị đăng ký tham gia vào các dự án phát triển logistics tại Hải Phòng. Trong quy hoạch chung, Hải Phòng sẽ dành quỹ đất từ 2.000-2.500 ha để phát triển trung tâm logistics. Theo chủ trương của Chính phủ và thành phố về đầu tư các trung tâm logistics thì nguồn vốn là của các nhà đầu tư, Chính phủ kêu gọi chứ không dùng ngân sách nhà nước. Vì vậy, sẽ có các tập đoàn trong và ngoài nước tham gia. Những tập đoàn doanh nghiệp lớn đầu tư vào với quy mô khác nhau, doanh nghiệp sẽ có cơ hội để gặp gỡ, kết nối phát triển dịch vụ logistics ngày càng lớn mạnh hơn.
Mặt khác, Hải Phòng có lợi thế về vị trí địa lý sông ngòi, sông ngòi nối với khu vực cảng biển, tạo cơ hội vận tải đường thủy, tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí bảo vệ môi trường, giảm thiểu ách tắc, xuống cấp của giao thông đường bộ. Đây là bước khởi đầu hình thành dịch vụ logistics đường thủy, phát triển vận tải xanh. Sở Công Thương sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để phát triển tuyến vận tải thủy nội địa.
Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Đoàn công tác Bộ Công Thương với UBND thành phố Hải Phòng về chủ trương xây dựng Đề án chiến lược phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều chuyên gia từ các bộ, ngành, doanh nghiệp “hiến kế” giúp Hải Phòng đưa ngành logistics phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực nội tại, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của hệ thống quản lý nhà nước. Trong đó, cần kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của lĩnh vực logistics; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng “cứng”, hạ tầng “mềm” và đào tạo phát triển nguồn nhân lực… Với Hải Phòng, sớm đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt tiêu chuẩn quốc tế kết nối các cảng với hệ thống đường sắt quốc gia, quốc tế. Chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa từ Hải Phòng đến các địa phương trong khu vực… Từ đó, đưa ngành logistics của Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có, trở thành trung tâm dịch vụ logistics tầm cỡ quốc tế vào năm 2030./.